Theo ThS.BS. Vũ Văn Thành, Trưởng Khoa Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương, hiện thế giới có khoảng 3,1 triệu người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh hiện xếp hàng thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong trên toàn cầu và con số này còn tiếp tục gia tăng trong những thập niên tới do tăng tiếp xúc các yếu tố nguy cơ và tình trạng già đi của dân số. Thế nhưng hầu hết người dân lại không biết được sự nguy hiểm của căn bệnh này.

benh-phoi

Tại Việt Nam, điều tra dịch tễ học bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho thấy, tỷ lệ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở tuổi trên 40 là 4,2% trong đó nam là 7,1% và nữ là 1,9% và chỉ có 4,3% dân số đã từng nghe về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Trong 205/534 bệnh nhân mắc bệnh nhưng không có biểu hiện lâm sàng như ho, khạc đờm hay khó thở, đây là vấn đề khó khăn trong phát hiện sớm COPD.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh thường gặp có thể dự phòng và điều trị triệu chứng, đặc trưng bởi sự tắc nghẽn đường thở tiến triển ngày càng nặng dần, liên quan tới phản ứng viêm bất thường của đường thở và nhu mô phổi bởi các phần tử và khí độc hại. Triệu chứng hô hấp thường gặp của bệnh là khó thở, ho và khạc đàm. Yếu tố nguy cơ chính gây bệnh là thuốc lá. Tuy nhiên, tiếp xúc với những yếu tố môi trường như: nhiên liệu sinh khối và ô nhiễm không khí cũng có thể là nguy cơ gây bệnh… Bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường mắc phải những bệnh đi kèm như: suy nhược, suy giảm chức năng cơ xương, hội chứng chuyển hóa, loãng xương, trầm cảm và ung thư phổi.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi có các triệu chứng trên, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được phát hiện, điều trị kịp thời. Bệnh viện Phổi Trung ương hiện là Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về lao, phổi trong cả nước, trong những năm qua, Bệnh viện đã điều trị thành công nhiều bệnh nhân COPD nặng và được người dân cả nước tin tưởng tìm đến khám, điều trị.