(Chinhphu.vn) – Các phòng công tác xã hội được thành lập trong bệnh viện theo đề án “Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành y tế giai đoạn 2011 – 2020” đã trở thành cầu nối, nơi chia sẻ của bệnh nhân với người bệnh khó khăn; nơi tư vấn cho người bệnh, đặc biệt là truyền thông về bảo hiểm y tế tại cơ sở khám chữa bệnh.
TTXVN dẫn lời Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Trần Quý Tường cho biết ở một số bệnh viện đã có mô hình công tác xã hội và đội ngũ tình nguyện viên tham gia hỗ trợ bệnh nhân, cán bộ y tế trong phân loại, tư vấn, giới thiệu dịch vụ, hỗ trợ chăm sóc người bệnh… để giảm tải bất cập, khó khăn trong quá trình khám, điều trị.
Tổ công tác xã hội có nhiều hoạt động thiết thực như hướng dẫn các thủ tục khám bệnh, chỉ dẫn đến các khoa phòng cần thiết, chia sẻ nỗi đau bệnh tật của bệnh nhi. Đội ngũ này cũng lắng nghe ý kiến, tâm tư của người bệnh để phản ánh với bác sỹ và lãnh đạo bệnh viện, trợ giúp đắc lực cho bác sỹ, tạo ra mối thiện cảm, sự gắn kết giữa bệnh nhân – bệnh viện – người nhà bệnh nhân, góp phần làm hài lòng người bệnh.
Tính đến thời điểm này, nhiều bệnh viện tuyến Trung ương đã thành lập phòng công tác xã hội riêng.
Điển hình như Phòng công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai được thành lập ngày 28/5/2015 gồm 3 tổ: Tổ quản lý hành chính và nguồn lực; tổ truyền thông và quan hệ công chúng; tổ trợ giúp và chăm sóc khách hàng.
Mặc dù mới ra đời nhưng đến nay phòng công tác xã hội đã thể hiện vai trò trong việc tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ bệnh nhân, quan hệ công chúng. Đặc biệt, Phòng đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, giúp đỡ các bệnh nhân nghèo, khó khăn, tổ chức đào tạo tập huấn, kết nối mạng lưới tình nguyện viên để giúp đỡ bệnh nhân.
Để bệnh nhân và người nhà hiểu rõ quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm y tế tại bệnh viện, nhân viên của phòng đã trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người bệnh như: Cung cấp thủ tục, hồ sơ để làm việc với cơ quan bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng đạt mức đồng chi trả hơn 6 tháng lương cơ bản; tuyên truyền, giải thích, phân tích cho từng nhóm đối tượng người bệnh về chủ trương tăng giá dịch vụ (như nhóm được hưởng 100%, 95% và 80%); vận động người bệnh tham gia bảo hiểm y tế để được khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Từ ngày thành lập đến nay, tổng số tiền mà Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai đã kêu gọi, quyên góp được hơn 1,3 tỷ đồng để giúp đỡ bệnh nhân, trong đó ủng hộ bằng tiền mặt là 1 tỷ đồng. Ngoài ra, Phòng còn hỗ trợ bệnh nhân xin miễn giảm viện phí từ nguồn quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo của bệnh viện được 204 triệu đồng.
Còn Bệnh viện Nội tiết Trung ương thành lập Phòng Công tác xã hội vào ngày 4/8/2014 với 6 thành viên nhằm hỗ trợ vật chất, tinh thần cho người bệnh và người nhà bệnh nhân. Đặc điểm của bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện thường là người cao tuổi, bệnh nặng do tuyến dưới chuyển lên hoặc bệnh nhân có nhiều bệnh lý mãn tính. Hầu hết họ không có hoặc mất dần khả năng chi trả dịch vụ y tế. Chính vì vậy, Phòng có bộ phận tư vấn – hỗ trợ thủ tục khám chữa bệnh tại sảnh đón tiếp bệnh nhân và luôn có 1 nhân viên trực tại phòng trong giờ hành chính. Nhân viên của Phòng sẽ hỗ trợ đón tiếp, phát số, hướng dẫn cho bệnh nhân đến khám và điều trị; phối hợp với phòng truyền thông xây dựng nội dung phát thanh hướng dẫn quy trình, sơ đồ khám chữa bệnh; đặc biệt là khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại bệnh viện.
Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng đã thành lập Phòng Công tác xã hội để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm áp lực cho cán bộ y tế cũng như hỗ trợ tốt nhất cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến khám, điều trị.
Hàng ngày, Phòng công tác xã hội bố trí cán bộ, nhân viên đón tiếp, hướng dẫn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại 8 điểm trong bệnh viện, chỉ dẫn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, hướng dẫn quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Bộ phận này cũng giới thiệu, cung cấp thông tin, tư vấn về dịch vụ khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại bệnh viện cho người bệnh và người nhà bệnh nhân; phối hợp với tổ bảo vệ, đơn vị vệ sỹ, công an, nhân viên các khoa, phòng trong công tác đảm bảo trật tự, an ninh, chống “cò” bệnh viện; giải thích cho bệnh nhân, người nhà trong trường hợp người bệnh có chỉ định chuyển viện, ra viện.
TS. Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho rằng vai trò của cơ sở khám chữa bệnh trong công tác truyền thông về bảo hiểm y tế rất quan trọng, giúp người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi và thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ. Truyền thông tốt cũng góp phần giúp bệnh viện giảm thiểu thời gian trong công việc hành chính; tăng chất lượng, hiệu quả làm việc và nâng cao uy tín. Nội dung truyền thông bảo hiểm y tế cần tập trung vào những băn khoăn của người bệnh như: Thủ tục và quy trình khám chữa bệnh; các nội dung, thủ tục khi khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của người bệnh, cơ sở y tế; các qui định khi điều trị nội trú…
“Để phát huy hiệu quả truyền thông về bảo hiểm y tế tại cở sở khám chữa bệnh thì truyền thông chủ động là hình thức hiệu quả nhất. Để làm được việc này, các nhân viên của Phòng Công tác xã hội phải có kỹ năng quản lý thông tin, phát ngôn và truyền thông đúng góp phần định hướng dư luận theo chiều hướng tích cực để người dân, bệnh nhân và người nhà dễ dàng cảm thông, chia sẻ, tuân thủ và ủng hộ các chủ trương của bệnh viện và ngành y tế.
Vì vậy, nhân viên làm công tác xã hội trong bệnh viện cần được thường xuyên đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông, viết tin, bài; tăng cường tuyên truyền các sự kiện, chính sách mới trước khi triển khai để người dân hiểu rõ quyền lợi và ủng hộ; đặc biệt cần có sự đầu tư kinh phí tối thiểu cho hoạt động này trong bệnh viện…”, Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Bích Mận, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai kiến nghị.
(Theo TTXVN)